| Võ Lâm U Linh Ký» Xếp hạng: ![]() » Đánh giá: 4.5/5,10 bình chọn » Đăng lúc: 14/06/16 08:53:59 » Đăng bởi: Trung Hi » Chia Sẻ: ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
Hiên Viên Dũng Kiệt đã nghe Dao Quang tán dương tài trí của Sưu Mệnh Thần Từ Bang Hán nên quay sang hỏi:
- Từ tổng quản có cao kiến gì không?
Họ Từ dặng hắng đáp:
- Theo thiển ý của lão phu thì chúng ta chỉ còn cách mang bộ y phục may bằng lông Hỏa Hồ Ly đến thành đô, tùy cơ ứng biến ! Nếu công tử đủ sức dẫn quần hào triệt phá Đường môn thì thôi. Bằng không, công tử phải để lộ bảo vật, dụ cho mọi người rời khỏi đất Tứ Xuyên.
Thần Bút Lực Sĩ hăm hở tán thành:
- Từ lão đệ quả là cao kiến, lão phu sẽ cùng Dao Quang đi ngay!
Hiên Viên Dũng Kiệt bổ sung thêm:
- Đường xa hơn ngàn dặm, dù kiên trì ngày đêm cũng phải mất không dưới nửa tháng. Chỉ sợ lúc Quang nhi đến thành đô thì quần hào đã rơi vào kế của Bách Biến Ma Quân. Do vậy, lão phu đề nghị nhờ chim câu Cái bang đưa tin đi trước. Phân đà Cái bang ở thành đô sẽ ngấm ngầm tiết lộ sự có mặt của Bách Biến Ma Quân trong Đường gia trang và cả âm mưu thành lập Thiên Cơ giáo, khống chế võ lâm để tạo phản. Dù quần hùng không tin hẳn nhưng đương nhiên là sẽ phải cảnh giác hơn.
Cả nhà khen phải, nâng chén uống cạn để tiễn bọn Dao Quang lên đường. Dao Quang ân hận vì đã vô tình nối giáo cho giặc nên chỉ ăn lưng chén đã cáo thoái, vào thành tìm phân đà chủ Cái bang Nam Xương. Chàng trở lại nhà vào lúc xẩm tối, chuyện trò cùng thân phụ một hồi rồi mới về phòng riềng. Ngọc Thiền đã chờ sẵn với bộ y phục kỳ lạ màu hung đỏ. Nàng đã cắt bấy bộ da Hỏa Hồ Ly theo kích thước cơ thể đại ca. Thấy chàng vào, Ngọc Thiền nũng nịu bảo :
- Tiểu muội mất đến bốn ngày, vừa khâu xong mũi cuối cùng, đại ca thử mặc xem sao?
Hai gấu ống quần được Ngọc Thiền may ôm kín bàn chân, tựa như đôi tất, còn tay áo thì cũng tận cùng bằng năm ngón bao kín bàn tay, mũ lông phủ cổ áo, dư ra một dải khi quấn quanh mặt thì chỉ hở đôi mắt mà thôi !
Ngọc Thiền đắc ý nói:
- Giờ đây dù cho đại ca có rơi vào biển lửa cũng chẳng thể chết được!
Dao Quang cười bảo:
- Hiền muội quả là có tài may vá. Gã nào lấy được ngươi là do phúc đức bảy mươi đời để lại. À, mà em rể của ta là ai vậy? Sao trước giờ không nghe phụ thân và tam muội nhắc đến?
Ngọc Thiền cười khúc khích:
- Tiểu muội cũng chẳng biết phụ thân gả mình cho ai nữa? Sao đại ca không hỏi cha?
Nàng nói lảng sang chuyện khác:
- Tiểu muội về phòng đây, đại ca lên đường, bảo trọng!
Bất ngờ Ngọc Thiền nhón chân lên hôn vào má Dao Quang rồi bỏ chạy. Chàng không áy náy gì, vì đã quá quen với những cử chỉ thân mật ấy, chàng chỉ nghĩ rằng em mình chú tâm luyện võ nên hơi kém phần lễ giáo . Dao Quang cởi hết y phục, chỉ còn chừa lại quần ngắn, ngồi tọa công theo tư thế bán già. Chàng đã luyện sang lớp thứ bảy của pho Chí Nguyên tâm pháp, công lực tăng tiến từng ngày, không thể bỏ qua việc tĩnh tọa. Giữa canh ba. Dao Quang xả công, nằm xuống giường cố dỗ giấc ngủ. Trong trạng thái mơ màng, hình bóng Túy Tây Thi Tiêu Lan Anh bỗng hiện ra với tất cả vẻ đẹp tân kỳ, ảo não. Nàng nhìn chàng bằng cặp mắt nồng nàn và bước đến hôn lên má. Dao Quang kinh hãi giật mình ngồi bật dậy, hổ thẹn nhận ra rằng lòng đã phát sinh tà ý với em dâu. Chàng suy nghĩ miên man, tự trấn an rằng Túy Tây Thi đã từ hôn và ở rất xa. Dao Quang là kẻ phóng khoáng, hiểu rõ bản chất con người nên không tự dằn vặt mình làm gì. Tiêu Lan Anh quá xinh đẹp, khiến lòng quân tử phải lao đao. Nhan sắc mỹ nhân vốn là duyên cớ của rất nhiều thảm kịch, và tội loạn luân đã có tự ngàn xưa. Tìm được giải pháp, Dao Quang nghe lòng thanh thản, chìm vào giấc ngủ mặc cho hình bóng ai cứ vấn vương. Cuối canh tư, Tà Kiếm vào phòng đánh thức Dao Quang dậy. Cả nhà đã có mặt bên bàn điểm tâm và uống chén tống hành. Vài khắc sau, bốn con tuấn mã lao vun vút về hướng tây. Tháp tùng Dao Quang là Thần Bút Lực Sĩ, Tả Kiếm và Quỷ Đao. Họ sẽ đi đường bộ, vượt hơn ngàn dặm, đến cửa sông Manh đổ vào Trường giang, rồi mới lên thuyền vượt dòng Manh giang tới Thành Đô. Trưa ngày hai mươi bốn tháng tư, bọn Dao Quang đến thành Nhạc Dương ở phía bắc Động Đình hồ. Họ vào thẳng Bắc Hồ đại tửu lâu vì nơi đây là bản doanh của giới hắc đạo Hồ Nam. Chủ nhân của tửu lâu là Hoàng Phong Châm Lộ Trung Tường. Con ong vàng này tuy không phải họ Đường, nhưng lại có tài phóng kim độc bách phát bách trúng. Bề ngoài, lão già ngũ tuần không râu này hoàn toàn giống một thương gia hiền lành, cởi mở. Nhưng hôm nay, Lộ Trung Tường đón khách
với gương mặt tái xanh vì mất máu, và cánh tay trái quấn đầy băng. Dao Quang cau mày hỏi:
- Ai đả thương ngươi?
Họ Lộ gượng cười:
- Mời công tử và tam vị thượng lâu rồi thuộc hạ sẽ lên cáo tường!
Lão đưa bốn người lên lầu ba cao chót vót và lồng lộng gió nam. Từ nơi này có thể nhìn thấy tòa kiến trúc Nhạc Dương lâu ở mé tây thành. Nhạc Dương lâu là một trong những thắng cảnh đất Hồ Nam, xây dựng thời nhà Đường, được rất nhiều bậc văn nhân nho sĩ ghé thăm, làm thơ tán tụng. Đại thi hào Đỗ Phủ có bài đăng Nhạc Dương lâu rất thống thiết, lưu mãi muôn đời .Tầng chót của Bắc Hồ đại tửu lâu là nơi ăn ở của Hoàng Phong Châm, và có cả vài phòng danh cho bằng hữu. Bọn Dao Quang được tỳ nữ đưa vào trong rửa ráy, cởi bỏ bộ y phục đầy bụi đường. Khi họ trở ra thì bàn tiệc thịnh soạn đã chuẩn bị xong. Lộ Trung Tường kính cẩn mời khách an tọa. Về vai vế trong hội, họ Lộ còn thấp hơn Quỷ Đao và Tà Kiếm.
Dao Quang nghiêm trọng:
- Hạ Lão Bá đây là Thần Bút Lực Sĩ đất Thiểm Tây ! Họ Hạ đã bỏ đôi bút sắt lừng danh vào túi lụa nên Hoàng Phong Châm chẳng thể nhận ra. Nghe giới thiệu, họ Lộ giật mình, vòng tay thi lễ: – Vãn bối Lộ Trung Tường bái kiến Hạ tiền bối !
Thần Bút cười khà khà:
- Chớ nên khách sáo ! Lão phu cũng là người nhà cả. Tốt nhất là ngươi nên nói rõ sự tình, nếu không thì bọn ta uống rượu chẳng ngon.
Quỷ Đao Mạc Sương cũng góp lời mai mỉa:
- Chẳng phải lão mò vào phòng ở khuê nữ nào nên mới bị đánh què tay? Hoàng Phong Châm ngượng ngùng bối rối :
- Mạc lão đệ có cái miệng thật là độc địa! Lão phu ta nào phải là kẻ háo sắc. Có điều đó là mối nhục của lão phu nên khó nói ra.
Dao Quang lạnh lùng bảo:
- Không làm điều gì bại hoại thì hà tất phải xấu hổ.
Lộ Trung Tường sợ hãi, thở dài kể lể:
- Bẩm công tử. Năm ngày trước thuộc hạ may mắn mua được một con thần mã. Và đêm kia có người đến đây đả thương thuộc hạ. cướp đi mất rồi.
Dao Quang hỏi lại:
- Thế ngươi có biết lai lịch kẻ ấy hay không?
Hoàng Phong Châm ấp úng:
- Bẩm có! Người ấy là một nữ lang tuổi hơn ha
hai mươi, họ Phó, hiện vẫn còn làm khách ở Kiếm trang của Nhạc Di Kính !
Trang chủ Kiếm trang có danh hiệu Động Đình Kiếm Khách vốn là chỗ quen biết với Dao Quang, nên chàng rất ngạc nhiên khi thấy lão dung túng cho ả họ Phó nào đấy làm điều càn quấy? Dao Quang mỉm cười:
- Té ra là thế! ăn uống xong ta sẽ đến Kiếm trang xem sao!
Tà Kiếm nói kháy Hoàng Phong Châm:
- Ngựa quý giá ngàn vàng mà lão dám mua để dạo quanh thành, phong thái này khiến ta phải bái phục !
Họ Lộ biến sắc cải chính:
- Hoắc lão đệ nói oan cho ta rồi! Con thiên lý mã kia chính là món quà mà anh em Hồ Nam định dâng tặng cho công tử! Lão phu nào đủ phúc phận để cỡi con ngựa trị giá một ngàn hai trăm lượng vàng ấy !
Dao Quang mỉm cười:
- Lộ lão yên tâm! Xem ra ta đã nhận rồi đấy !
Mọi người vui vẻ ăn nhậu, cuối giờ mùi mới tan tiệc. Dao Quang một mình đi đến Kiếm trang dò la sự tình . Cơ ngơi của Động Đình Kiếm Khách nằm ở cửa nam thành Nhạc Dương, quay mặt vào hồ Động Đình. Nhạc Di Kính tuổi đã bảy mươi ba, chọn chỗ xinh đẹp này mà dưỡng già. Nhạc lão là người khoáng đạt, kiếm thuật cao siêu nhưng lại sính văn thơ, thường lên lầu Nhạc Dương ngắm cảnh Động Đình hồ mà ngâm vịnh. Chính ở nơi ấy, họ Nhạc đã gặp Dao Quang, mến vì tài thi phú, mời về nhà thù tạc. Lão không hề phát hiện ra việc Dao Quang biết võ công, chỉ xem chàng như một khách tao nhân trong hàng ngũ bọn trọc phú. Nhạc Di Kính đương nhiên là không rõ mối quan hệ giữa Hoàng Phong Châm với Dao Quang. Có lẽ vì vậy mà lão để cho nữ lang họ Phó ngang nhiên đoạt ngựa của Lộ Trung Tường.
Hai năm trước, Dao Quang từng làm khách ở Kiếm trang cả tháng nên bọn gia đinh gác cửa vẫn còn nhớ mặt. Họ cung kính mời vào khách sảnh. Lát sau, Động Đình Kiếm Khách ra đến, hoan hỉ cười khanh khách: – May mà công tử đến kịp, nếu không thì lão phu đến chết vì nhung nhớ!
Họ là bạn văn chương nên không xưng hô theo tuổi tác, tuy rằng con cái Di Kính đều lớn hơn Dao Quang. Dao Quang mỉm cười đáp lễ:
- Tại hạ bận rộn việc mưu sinh nên chẳng thể đến vấn an trang chủ!
Nhạc lão phấn khởi nói:
- Lần này công tử phải ở đây với lão phu vài tháng, cùng nhau xướng họa cho thỏa chí ! Công tử hiện trọ ở đâu, để lão phu cho người đến lấy hành lý?
Dao Quang tủm tỉm đáp :
- Tại hạ sở hữu Bắc Hồ đại tửu lâu nên nghỉ chân ở đấy!
Nhạc lão sững sờ:
- Ủa! Lão phu tưởng đó là cơ nghiệp của gã Hoàng Phong Châm?
Dao Quang gật gù:
- Lộ Trung Tường chỉ là người quản lý mà thôi !
Di Kính nhăn nhó, vò đầu bút tóc:
- Chết thực! Lão phu không biết nên để con nha đầu Ngọc Đường đến đấy cướp ngựa. Giờ đây còn mặt mũi nào mà nhìn bạn văn chương nữa! Dao Quang trấn an:
- Con ngựa ấy vốn là của tại hạ, không thể sánh với mối thâm giao giữa chúng ta. Mong trang chủ xem như chẳng có gì xảy ra. Nhưng xin hỏi vị cô nương họ Phó kia là ai vậy?
Di Kính mời khách ngồi. Lão rót trà rồi kể lể:
- Lão phu vốn xuất thân từ Thiên sư Giáo ở trong Long Hổ sơn, tuy không mặc đạo bào nhưng tính chất vẫn là một đạo sĩ . Phó Ngọc Đường chính là ái nữ của đương kim giáo chủ Phó Kỳ Nhâm. Nàng ta mất mẹ từ thuở ấu thơ, thiếu người giáo dưỡng nên tính tình ngang ngạnh, hiếu thắng chẳng biết sợ là gì. Ngay giáo chủ đại sư huynh của lão phu cũng phải bó tay trước cô con gái bướng bỉnh. Sáu ngày trước, Ngọc Đường đến Kiếm trang tá túc, thưởng ngoạn Động Đình hồ. Đường nhi tình cờ gặp Hoàng Phong Châm cưỡi thần mã ở Vân Cái Tuyết liền sinh lòng ham thích, nửa đêm bịt mặt đến cướp đoạt. Khi lão phu biết thì việc đã lỡ, dù khuyên bảo thế nào nó cũng không trả lại. Kể xong, ông cao giọng gọi:
- Đường nhi ! Mau ra đây!
Nhạc lão vận công nên tiếng nói vang đến tận khu hậu viện. Lát sau một nữ lang mặc võ phục màu lục nhạt tất tả lên đến . Nàng vui vẻ nói :
- Có Đường nhi ứng hầu!
Dao Quang giật mình nhận ra người quen. Chàng mỉm cười nhớ đến một kỷ niệm vui hồi đầu thu năm ngoái. Ngày ấy, Dao Quang truy lùng một gã dâm tặc võ nghệ cao siêu, có danh là Thiên Hoa Điệp Tào Kế Chi. Con bướm ngàn hoa này trước đây nhởn nhơ ở những phủ phía bắc Trường Giang, hãm hại hàng trăm thiếu nữ mà không hề bị bắt. Họ Tào thay đổi khẩu vị, tìm về phương nam hái hoa. Gã liên tiếp bắt cóc ba lương nữ trong phủ Giang Tây, làm chấn động lòng người. Dao Quang liền huy động thủ hạ, điều tra và đích thân tìm đến chỗ ẩn náu của Thiên Hoa Điệp. Chàng được tin Tào Kế Chi giấu mình ở hồ Thanh Thủy, cách thành Cát sơn bốn dặm, liền đến đấy phục kích. Hồ Thanh Thủy nằm sâu trong khu rừng già, đường kính ước độ hơn dặm, giữa có đảo nhỏ đầy cây cối rậm rạp. Dao Quang lên đảo xem xét, phát hiện y phục và nữ trang trong căn nhà gỗ nhỏ, nhưng không gặp tên dâm tặc. Chàng rời đảo, phục kích ở bờ hồ, quyết không để đối phương nhảy xuống nước đào tẩu. Dao Quang tìm được chỗ họ Tào giấu thuyền con liền mang theo lương khô, nước uống trèo lên cây cổ thụ gần ...



