| Truyện Bên cạnh thiên đường» Xếp hạng: ![]() » Đánh giá: 4.5/5,10 bình chọn » Đăng lúc: 14/06/16 14:49:56 » Đăng bởi: Trung Hi » Chia Sẻ: ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() ![]() |
Có điều đi xe bus cũng có một ưu điểm, chính là khi chen chúc giữa đám đông hành khách, tôi luôn được ôm chặt Lông Mi trong lòng.
Cái lạnh cuối thu đầu đông đẩy hai người lại với nhau. Tôi ôm lấy tấm thân nhỏ nhắn lạnh băng của Lông Mi, cằm gác lên mái tóc dài mềm mại, quấn chung một chiếc khăn len dài, ngửi mùi hương con gái ấm áp mà tanh tanh tỏa ra từ cổ em, cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Người Lông Mi bắt đầu trở nên ấm áp, cả ánh mắt cũng thế.
Một sự thay đổi làm tôi vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ.
Một hôm ăn cơm xong, hai chúng tôi ngồi trên bậc cấp ngắm mây.
- Anh thấy giống cái gì ?
Lông Mi chỉ vào đám mây gần nhất hỏi tôi.
- Giống kẹo bông đường.
Tôi vốn định trả lời là giống mông con gái, nhưng không dám.
- Giống ngôi nhà gỗ nhỏ trên đỉnh núi tuyết.
Lông Mi nheo nheo mắt hình dung, thở dài nói:
- Em rất muốn vẽ một bức tranh như vậy, nhưng chưa tận mắt nhìn thấy bao giờ, chẳng có cảm giác, không đưa bút lên được.
- Cùng đi xem là được rồi, phương Bắc hình như có tuyết rơi rồi đấy.
- Bây giờ á ?
- Bây giờ.
Cuộc đời cứ như phim.
Trong đó có những trường đoạn giống như đã được dựng sẵn, lúc thì ống kính hướng về đây, lúc thì đã hướng ra xa tận nơi nào.
Hai ngày sau, ống kính của cuộc đời tôi đã từ ngôi nhà của Lông Mi chuyển đến một ngôi làng nhỏ. Lông Mi cũng thế.
Một ngôi làng nhỏ ở bìa rừng trong khu hang cùng núi hẻm ở dưới chân Trường Bạch sơn. Tôi đã nhờ bạn làm ở công ty du lịch sắp xếp chỗ nghỉ, ăn uống ngủ nghỉ đều ở nhà một cặp vợ chồng già.
Lông Mi bỏ balô xuống, kéo tôi chạy lên núi.
Dãy Trường Bạch kéo dài hơn trăm cây số. Chúng tôi đi qua lâm trường, chui vào một cánh rừng Bạch Dương, vượt qua con suối nhỏ, đi một mạch lên tận đỉnh núi. Phóng mắt nhìn xung quanh, cảnh tượng hùng vĩ của phương Bắc đều lọt cả vào tầm mắt. Sau lưng là dãy Trường Bạch hùng vĩ bao la. Vùng bình nguyên trước mắt có rất nhiều ngôi làng nhỏ nằm chi chít như sao trên trời. Đứng từ trên cao, có thể nhìn thấy rất rõ những con đường tỏa đi khắp nơi, đám trâu bò đang cần mẫn làm việc trên đồng, những cái sân nhỏ bên trong hàng rào gỗ, những ngôi nhà gỗ, đống củi đã chặt sẵn chất ở góc vườn. Ở gần triền núi, là từng khoảng rừng lớn. Trên đồng cỏ trống, những người dân du mục đang cưỡi ngựa hò hét lùa đàn dê chầm chậm chuyển động.
Lông Mi kéo tôi ngồi xuống một tảng đá lớn, đầu dựa vào vai tôi, chăm chú ngắm nhìn cảnh sắc yên bình trước mắt, hưng phấn vô cùng. Em quấn mái tóc dài thành hai bùi to, đầu đội mũ len, chân đi giày cao cổ, khăn quàng phất phơ trước ngực, áo len dài tay màu trắng, đôi tay nhỏ giấu trong ống tay áo, hai bàn tay nắm chặt nhau, chống dưới cằm, yên lặng trầm mặc. Thỉnh thoảng lại quay đầu sang nhìn tôi cười cười.
Tối hôm đó chúng tôi ăn cơm cùng hai bác chủ nhà.
Nhà chỉ có hai người, cũng đã năm mươi sáu mươi, không con không cái, hai người nương tựa vào nhau mà sống qua ngày. Bác trai làm nghề mộc, còn bác gái thì bận rộn với việc đồng áng. Hai người từ sáng đến tối lúc nào cũng vui vẻ hồ hởi, cười nói không thôi, cứ như mấy chục năm nay vẫn chưa nói hết những lời trong lòng mình với nhau vậy.
Đồ ăn rất phong phú, toàn là món ăn vùng Đông Bắc nóng hôi hổi: gà con hầm với nấm, món hầm hổ lốn, rau trộn, còn có cả một bát cháo nữa. Ăn xong hai bác gọi chúng tôi lên giường đất ngồi nói chuyện.
Nhà cửa bày biện rất đơn giản, đồ đạc chẳng có mấy, chỉ có một chiếc tivi đen trắng thu được một hai đài mà suốt ngày hỏng, xem một lúc là mất hình, nhưng vỗ vài cái là lại được. Chúng tôi vừa nói chuyện, vừa nhìn bác trai cằn nhằn vỗ bồm bộp vào cái tivi.
Người già thích kể chuyện ngày xưa. Kể hết cả buổi tối mà vẫn chưa hết chuyện.
Cả hai bác đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Bác trai đã mất bố mẹ từ nhỏ, được người chú nuôi dưỡng. Về sau cả người chú cũng chết nốt, bác trở thành cô nhi, phải đi khắp nơi xin ăn, tình cờ lạc đến làng này, rồi được một người thợ mộc thu nhận. Năm bác hai mươi tuổi thì người thợ mộc tốt bụng kia lên núi chặt cây bị gỗ đè chết, bác lại cô đơn một mình. Cũng may là hồi ấy bác đã thành nghề, có thể miễn cưỡng sống qua ngày. Về sau, bác gặp được bác gái, lúc ấy cũng là một cô nhi, rồi hai người dựa vào nhau mà sống đến tận bây giờ. Hai bác cũng đừng có con. Đứa đầu tiên được năm, sáu tuổi thì mất tích, nghe nói là bị bọn lừa đảo bắt đi bán. Sau đó hai bác lại sinh thêm một đứa nữa. Đứa trẻ rất xinh xắn dễ thương lại thông minh lanh lợi, nhưng đến năm mười lăm tuổi thì đột nhiên mắc một thứ bệnh lạ rồi qua đời. Từ đó trở đi, họ không sinh con nữa.
- Giờ thì tốt rồi, cuối cùng cũng được sống những ngày tháng tử tế.
Hai bác ngồi xếp bằng trên giường đất cười kha kha, giống như vừa rồi chỉ là kể chuyện của người khác, chứ không phải chuyện của mình vậy.
Câu nói này khiến tôi cảm thấy rất xấu hổ.
Cả tôi lẫn Lông Mi đều ướt đẫm nước mắt. Tôi vòng tay ôm lấy em, nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn. Lông Mi thỉnh thoảng lại đưa tay lên lau nước mắt, vẻ mặt vừa ấm áp lại vừa thê lương. Nghe hai bác kể chuyện đời mình, mắt nhìn nụ cười lạc quan bao dung tất cả trên gương mặt già nua của họ, đột nhiên cảm thấy tất cả những do dự băn khoăn, hoang mang lạc lối của mình trước đây đều có vẻ giả tạo và thật đáng cười, cứ như không bệnh mà vẫn rên rỉ vậy.
Nhìn hai bác ở bên nhau, dần dần tôi cũng hiểu được thế nào là tình yêu: không có gì là quá đỗi đau thương, không có gì là quá đỗi hạnh phúc, không có gì là bi hoan li hợp, không có gì là lời đường tiếng mật.
Tình yêu, tóm lại chỉ là một kiểu nương tựa lẫn nhau.
Mùi tỏa ra từ người Lông Mi rất trong rất mát, làm tôi nghĩ đến buổi bình minh trong khu rừng trúc vẫn còn đọng đầy sương đêm, và bầu không khí ẩm ướt trên bến cảng mù sương. Chỉ khi được tắm trong ái tình, người ta mới có thể tiết ra được thứ mùi thuần khiết đến vậy.
Ở lại mấy ngày liền.
Trời không có vẻ gì là muốn đổ tuyết. Dù sao cả hai chúng tôi cũng đều nhàn rỗi, bèn ở lại luôn, chẳng về nữa.
Mùa đông sắp đến. Khắp nơi đều là những chiếc lá vàng khô héo, dẫm chân lên nghe xột xoạt xột xoạt, cảm giác tuyệt diệu như khi dẫm chân lên lớp cát mềm mịn ở thành cổ Lâu Lan vậy.
Lông Mi dựng giá vẽ trong rừng Bạch Dương, chăm chú vẽ lại cảnh đẹp trước mắt.
Tôi không tiện lên tiếng, chỉ im lặng ngồi bên quan sát.
Em vẽ mệt liền đứng dậy, đi đi lại lại tản bộ một vòng, hình như đang tìm linh cảm, mũi chân nối tiếp gót chân, hai tay mở rộng, bước từng bước nhỏ trên thảm lá vàng ươm, lẩm nhẩm đếm số, hình như đang đo đạc gì đó, nét mặt nghiêm túc trông rất đáng yêu.
Đo đạc một lúc, em chắp hai tay lại không ngừng gật đầu, tựa như đã tìm thấy linh cảm, liền quay lại tiếp tục vẽ. Tôi tiếp tục ngồi ngắm em, thi thoảng mới đưa mắt nhìn bức họa.
Em lại mệt, đứng dậy đi chầm chậm xung quanh cây Bạch Dương. Từng cây Bạch Dương cao ngất, cành cây mọc đầy những nốt nhỏ như cái mắt. Lông Mi vuốt lên từng cái một, rồi lấy ra một chiếc gương nhỏ, cẩn thận so sánh với mắt mình. Hình như không tìm được nốt nào vừa ý, vậy là đành bỏ cuộc.
Tôi nghĩ một lát, rồi chạy về nhà hai bác chủ nhà, mượn hai tấm lưới rách, mắc lên cành cây, làm thành một cái võng.
Lông Mi bật cười, mừng rỡ trèo lên, cánh tay gác sau gáy làm gối, nhắm mắt đong đưa đong đưa, không ngừng lẩm bẩm theo điệu nhạc bài “những bông hoa ấy”, dường như có vẻ rất dễ chịu. Tôi ngồi trên cành cây đọc cuốn “Hồ Walden”.
Một lát sau thì võng không đung đưa nữa. Chắc Lông Mi cũng đã mệt, em ngẩn người ra nhìn khoảng trời nhỏ lấp ló sau những tán cây rậm rạp. Tôi bèn giúp em đưa võng, vừa đung đưa vừa chăm chú đọc sách.
Lông Mi đột nhiên nhảy xuống, ngồi xổm trước mặt tôi, nắm lấy hai vai, nhìn thẳng vào mắt.
Tôi cũng nhìn lại em, dịu dàng vuốt nhẹ lên mái tóc dài.
Hai người ôm chặt lấy nhau, hôn thắm thiết.
Thời gian như ngưng lại.
Lý tính chìm vào giấc ngủ dài.
Cảm tính chỉ tập trung vào những cảm giác thuần khiết nhất, trực tiếp nhất. Đầu lưỡi mềm mại ngọt ngào của Lông Mi. Hai hàng lông mi dài cọ khẽ vào mặt như cánh bướm. Chiếc cổ thon dài ấm áp. Những chiếc lá vàng thi thoảng lại rơi xuống bờ vai. Tiếng nước chảy róc rách của con suối nhỏ đằng xa. Tiếng mõ gỗ ở trại chăn nuôi ần đó …
Hồi lâu sau chúng tôi mới rời ra, nhìn nhau, rồi lặng lẽ mỉm cười. Lông Mi lấy tay véo mũi tôi một cái, rồi bật cười khúc khích chạy đi, tiếp tục vẽ tranh.
Tôi tiếp tục xem sách, vừa xem vừa nhớ lại nụ hôn có lẽ cả đời cũng không thể nào quên được đó.
Thời gian ngọt ngào trôi qua một cách lặng lẽ.
Lông Mi vẽ xong bức “Rừng Bạch Dương” rồi mà vẫn không thấy tuyết rơi. Có điều cũng may là như vậy. Cảnh sắc Trường Bạch Sơn vào cuối thu quả thật mê hồn, chỉ cần ngồi ở đó, không cần làm gì hết cũng đã đủ mãn nguyện lắm rồi.
Lông Mi bắt đầu vẽ một bức tranh khác, hơi trừu tượng, tôi
xem không hiểu lắm.
Mỗi lần em vẽ mệt là lại lên võng nằm nghỉ ngơi, thường thường lần nào cũng ngủ thiếp đi mất. Tôi luôn để ý quan sát, cứ phát hiện em ngủ là lại vội vàng lấy trong túi ra một cái chăn đắp lên cho em. Cái lạnh mùa thu thường đến rất âm thầm lặng lẽ.
Lông Mi ngủ rồi.
Còn lại mình tôi cầm cuốn sách. Hết hứng, tôi bèn buông xuống, dụi dụi mắt, rồi ngước lên nhìn xuyên qua kẽ hở giữa các tán cây, bầu trời đầu đông trong xanh lạ thường, giống như đôi mắt sáng trong của đứa bé mới sinh vậy.
Tôi lấy chiếc khẩu cầm lúc nào cũng mang theo bên mình ra, khe khẽ thổi “Khúc Trầm Tư” của Jules Massenet.
Một trận gió lướt qua, những chiếc là cuối cùng như bị tôi gọi xuống, rụng lả tả, rơi trên người tôi và Lông Mi, tạo thành một bức tranh rực rỡ muôn màu.
Lá vàng rụng xuống bay lơ lửng trước khi tiếp đất, làm tôi chợt thấy bồi hồi cảm động. Ta không thể phân biệt được thông điệp và tình điệu ẩn giấu trong lá cây: là nhín nhịn nỗi đau phải chia ly với cành ? Hay là đang hưởng thụ sự mừng vui trong vòng tay của mặt đất ?
Một chiếc lá rụng, ta không thể biết bên nào với nó là thiên đường, bên nào là địa ngục.
Cũng giống như cuộc đời con người.
Có điều có Lông Mi ở bên tôi, cho dù không phải sống ở thiên đường, thì cũng là bên cạnh thiên đường rồi.
Tối đến, chúng tôi lại ngồi trên giường đất ăn cơm, nói chuyện với hai bác chủ nhà. Hai bác đều rất cởi mở lại khéo ăn khéo nói.
Bác trai thích kể chuyện cười, Lông Mi cứ bắt bác kể mãi, cười nắc nẻ không ngớt.
Họ không ngừng thay đổi chủ đề. Được m...



